Hiệu suất của lò hơi đạt được cao nhất khi đảm bảo được đầy đủ các điều kiện có những nhân viên lành nghề được tuyển dụng làm việc có hiệu quả đối với những chỉ dẫn trong việc lắp đặt, vận hành và bảo trì của lò hơi.
Và để đảm bảo an toàn cho người khi lao động và thiết bị, công nhân vận hành lò hơi phải tuân thủ đầy đủ các quy định TCVN ngoài ra phải tuân theo quy trình quy phạm về an toàn lao động khi sử dụng thiết bị áp lực và lò hơi hiện hành Người công nhân cần phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, có giấy phép vận hành lò hơi và đặc biệt các thiết bị phải được các cơ quan chức năng kiểm tra khám nghiệm và cấp phép sử dụng.
Nhằm mục đích giúp cho người sử dụng hiểu rõ hơn về quá trình vận hành lò hơi một cách an toàn, hiệu quả, giảm bớt được công việc sửa chữa. Chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm vận hành lò hơi trong nhiều năm qua tới tất cả mọi người đang vận hành lò hơi và đang quan tâm tới việc vận hành lò hơi.
Quy trình vận hành lò hơi ghi tĩnh đốt củi theo 02 bước sau:
- Chuẩn bị và khởi động lò hơi
- Vận hành và ngừng lò hơi
Chuẩn bị và khởi động lò hơi
1. Kiểm tra hệ thống lò hơi
Trước khi đốt lò cần phải kiểm tra tình trạng các bộ phận sau:
a. Các loại van, bơm tay hoặc bơm điện, bình cấp nước trung gian, bể chứa nước, hệ thống đường ống đã láp ráp hoàn chỉnh và đúng yêu cầu kỹ thuật chưa. Các van phải đảm bảo kín và đóng mở dễ dàng.
b. Các thiết bị đo lường và an toàn đã lắp ráp đạt yêu cầu kỹ thuật chưa, áp kế phải có vạch chỉ đỏ chỉ áp suất làm việc tối đa cho phép, ống thuỷ sáng phải có vạch chỉ đỏ chỉ mức nước trung gian (ngang giữa ống thuỷ) và mức nước cao nhất, mức nước thấp nhất cách mức nước trung bình ± 50 mm. Van an toàn được chỉnh áp suất hoạt động theo đúng quy phạm PLV+ 0,2kG/ cm2.
c. Xem xét toàn bộ lò hơi phần chịu áp lực xem có tình trạng hư hỏng không.
d. Xem xét nguồn nước cấp cho lò hơi đã đảm bảo đủ dự trữ chưa.
e. Xem xét nhiên liệu đốt lò có đủ dự trữ và đảm bảo quy cách chưa.
f. Các dụng cụ thao tác vận hành phải có là:
- Xà beng đầu hình mũi giáo dài 2m.
- Cào nhẹ dài 2m.
- Xẻng hai răng dài 2m.
- Xẻng.
- Búa con, cờ lê, mỏ lết, ...
2. Nhóm lò
2.1. Chuẩn bị nhóm lò
Tiến hành nhóm lò theo các thao tác sau:
a. Van xả, van hơi, van an toàn đóng lại; mở van xả khí để thoát khí; mở các van cấp nước cho lò; mở van lưu thông với ống thuỷ; mở các van ba ngả của áp kế.
b. Bơm nước vào cho đến vạch quy định mức thấp nhất của ống thuỷ, kiểm tra độ kín của các van và mặt bích.
c. Đóng van cấp nước vào lò. Mở van bơm nước vào bịnh cấp nước trung gian, khi đầy thì đóng lại.
d. Đưa nhiên liệu vào buồng đốt theo phương pháp sau:
- Nếu đốt củi, củi trấu: Rải một lớp củi khô chẻ nhỏ bên dưới, củi to hoặc củi trấu chất bên trên.
- Nếu đốt than: Rải một lớp than mỏng xung quanh buồng đốt, ở giữa chất củi khô.
- Mở cửa cho than, cửa gió, lá chắn khói cho lò được thông gió tự nhiên khoảng 15 phút.
2.2. Nhóm lò
Dùng giẻ khô tẩm dầu mồi lửa và đưa vào buồng đốt. Khi củi đã cháy toàn diện và trên mặt ghi lò đã phủ một lớp than nóng thì ta cho tiếp củi to hoặc củi trấu hoặc một lớp than mỏng (khi đốt than) lên trên sau đó phải đóng cửa lò, cửa gió lại để cho gió thổi yếu. Thời gian nhóm lò được thực hiện từ từ và kéo dài khoảng 40 phút.
Khi lò đã xuất hiện hơi nước thì đóng các van lại, cho tăng sức hút và quá trình cháy, kiểm tra tình trạng các van. Thông rửa ống thuỷ, áp kế khi áp suất hơi từ 1÷1,5kG/cm2 và quan sát sự hoạt động của chúng. Khi áp suất lò đạt 2 kG/cm2 thận trọng dùng cờ lê tay ngắn vặn chặn các đai ốc trong phạm vi lò hơi. Khi áp suất lò đạt mức áp suất làm việc tối đa, kiểm tra hệ thống cấp nước cho lò bằng cách mở van hơi, van nước nối giữa lò và bình cấp nước trung gian, nếu thấy nước được cấp vào lò là bình thường. Nâng áp suất lò lên áp suất làm việc của van an toàn, van an toàn phải làm việc và kim áp kế sẽ vượt quá vạch đỏ một chút.
Công việc của nhóm lò được kết thúc khi đã đưa áp suất lò lên áp suất giới hạn và kiểm tra xong sự hoạt động của lò.
Vận hành và ngừng lò hơi
1. Những chú ý quan trọng trong quá trình vận hành lò hơi
Những điểm sau đây phải được làm theo một cách chính xác khi vận hành lò hơi:
- Phải đảm bảo những yêu cầu của nước cấp khi cấp cho lò hơi. Bất kỳ sự sai lệch nào về phẩm chất của nước có thể dẫn đến vài vấn đề nghiêm trọng trong quá trình vận hành nguyên nhân là do lắng đọng cáu bẩn,…
- Không bao giờ để xảy ra tình trạng không quan sát được mức nước trong ống thuỷ.
- Động cơ của quạt / bơm có độ lớn đáp ứng đủ tải (ở nhiệt độ làm việc) tránh làm cho động cơ bị quá tải.
2. Những chỉ dẫn trong quá trình vận hành lò hơi
Bắt đầu khởi động cần làm các bước sau:
- Kiểm tra mức nước trong lò hơi.
- Kiểm tra bể chứa nước mềm phải đảm bảo đầy.
- Chọn bơm cấp 1 hoặc 2 để vận hành.
- Mở vale xả khí. Bật công tắc ở vị trí cấp nước. Bơm cấp sẽ bắt đầu khởi động và mức nước bắt đầu tăng lên trong lò hơi. Đèn bơm cấp sẽ mở. Sau đó đến mức làm việc bơm cấp sẽ dừng và đèn này sẽ tắt.
- Đóng vale hơi chính.
- Đóng vale của quạt ID&FD đến mức tối thiểu.
- Kiểm tra và bảo đảm rằng tất cả các thiết bị khác ở điều kiện hoạt động tốt.
- Để công tắc quay vào vị trí đốt lò. Nếu mức nước là thấp còi báo động sẽ kêu. Để công tắc quay vào vị trí cấp nước cho đến khi mức nước là đủ.
3. Duy trì chăm sóc lò hơi đang vận hành
Người vận hành phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình, quy phạm đã ban hành trong khi vận hành lò hơi. Mọi thông số kĩ thuật cần thiết và tình trạng hoạt động của lò hơi phải được ghi vào sổ theo dõi vận hành để làm cơ sở cho việc đánh gía đúng chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật nhằm đưa lò hơi vào chế độ vận hành tối ưu, cũng như tìm giải pháp kĩ thuật đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho lò hơi.
3.1. Chế độ đốt lò
Trong quá trình cấp hơi, lò phải giữ đúng chế độ đốt tức là phải đảm bảo nhiên liệu cháy hoàn toàn, nếu có nhiều khói đen thì phải cấp thêm gió, tăng sức hút; nếu không nhìn rõ khói thì phải hạn chế viêc cấp gió, giảm sức hút. Nếu khói ra có màu xám là chế độ đốt tốt. Nhiên liệu cho vào lò phải rải đều trên mặt ghi và cho vào từng lượng nhỏ để duy trì việc cháy của nhiên liệu đều trên mặt ghi. Thao tác cấp nhiên liệu, cào xỉ phải nhanh chóng và sau đó đóng ngay cửa cấp nhiên liệu lại.
Chiều dày lớp than trên mặt ghi dao động khoảng 300mm. Chiều dày lớp than, củi, củi trấu trên mặt ghi dao động khoảng 500mm. Xỉ được cào ra bằng cửa tro, cửa bụi. Việc cào xỉ, bụi được thực hiện theo chu kỳ và thao tác cần tăng sức hút của lò bằng cách mở to lá chắn khói.
3.2. Cấp hơi
Khi áp suất trong lò gần tương đương áp suất làm việc tối đa thì chuẩn bị cấp hơi. Trước khi cấp hơi mực nước trong lò không nên để cao mức bình thường. Khi cấp hơi chế độ cháy phải ổn định.
Khi cấp hơi mở từ từ van hơi chính để một lượng hơi nhỏ làm nóng đường ống dẫn hơi và xả hết nước đọng trên đường ống dẫn hơi khoảng 10÷15 phút, trong thời gian quan sát hiện tượng dãn nở ống và giá đỡ ống, nếu thấy bình thường thì mở hết cỡ van hơi chính để cấp hơi đi. Việc mở van hơi phải từ từ, khi mở hết cỡ thì xoay ngược lại nửa vòng vô lăng van hơi lại.
Để tránh hiện tượng hơi có lẫn nước, nước được cấp vào lò phải từ từ, không nên cho mức nước trong lò cao quá mức bình thường theo ống thuỷ.
3.3. Cấp nước
Trong thời gian vận hành lò phải giữ vững mực nước trong lò hơi, không nên cho lò vận hành lâu ở mức thấp nhất và mức cao nhất giới hạn. Lò hơi được cấp nước tự động do bơm cấp nước đảm đương.
3.4. Chế độ xả bẩn
Tuỳ theo chế độ nước cấp ở từng đơn vị sử dụng lò mà xác định số lần xả bẩn trong một ca. Nước cấp càng cứng, độ kiềm càng cao thì số lần xả càng nhiều. Ít nhất trong một ca phải xả bẩn 2 lần, mỗi lần từ 2÷3 hồi, mỗi hồi từ 10÷15 giây. Trước khi xả nên nâng cao mức nước trong lò hơi lên mức nước trung bình khoảng 25÷50 mm theo ống thuỷ là vừa. Ống thuỷ phải được thông rửa ít nhất 2 lần trong một ca. Van an toàn cũng phải được kiểm tra 1 lần trong 1 ca.
3.5. Yêu cầu nước cấp
Nước cấp có độ cứng toàn phần không vượt quá 0,5 mg/lít, PH = 7÷10.
4. Ngừng lò hơi
4.1. Ngừng lò hơi bình thường
Ngừng lò thực hiện theo trình tự sau:
- Dừng cấp nhiên liệu.
- Đợi cho đến khi nhiệt độ buồng đốt giảm xuống dưới 400 0C thì tắt quạt thổi, quạt hút. Để mở hẳn các cửa xem lửa, mở hết cỡ van gió quạt hút để lò tiếp tục nguội đi bằng gió đối lưu tự nhiên. Bật công tắc bơm cấp nước.
- Đóng van hơi chính, sau đó từ từ nhẹ nhàng mở van xả khí (van hơi phụ) để hạ áp suất lò hơi và để van xả khí ở trạng thái mở để tránh để tránh tạo áp lực chân không trong balong lò hơi khi nước trong lò nguội đi.
- Quá trình cháy hết nhiên liệu, làm nguội tự nhiên của lò hơi đến độ lò không tự sinh hơi được nữa mất khoảng 2h. Lúc này công tắc đang ở trạng thái bật nên nếu mực nước lò tụt xuống dưới mức trung bình bơm cấp sẽ tự chạy cấp nước bổ sung vào lò hơi.
- Để cho buồng đốt nguội hẳn đi thì tiến hành xả đáy lò hơi, các ống góp, các ống thủy tối sáng và các áp kế. Quá trình xả đáy lò hơi và các ống góp tiến hành cho đến khi tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước lò ít hơn 3500 ppm. Trong khi xả đáy nếu mức nước trong lò cạn xuống dưới mức trung bình bơm cấp nước sẽ tự chạy cấp nước bổ sung vào lò. Tuy vậy phải giám sát chặt chẽ để đảm bảo chắc chắn rằng mức nước lò luôn hiện diện trong ống thủy trong suốt quá trình xả đáy và khi xả đáy xong phải ở mức nước làm việc. Sau đó ngắt cầu dao chính cắt điện hoàn toàn khỏi tủ điện.
- Để nước trong lò nguội xấp xỉ nhiệt độ môi trường thì đóng chặt tất cả các van của lò hơi gồm: Van hơi chính, van hơi phụ, van nước cấp, các van xả đáy các loại.
- Đưa toàn bộ hệ thống cấp nước gồm các bơm, bể, van, đường ống...vào trạng thái dừng.
- Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ lò hơi và các bộ phận phụ trợ. Kết thúc quá trình hoạt động của lò hơi.
- Việc tháo nước ra khỏi lò hơi để vệ sinh phải có sự đồng ý của người phụ trách nhà lò hơi và chỉ được tháo nước khi áp suất hơi bằng 0 kG/cm2 và nhiệt độ nước lò 70 ÷ 80 0C, đồng thời thực hiện kênh van an toàn lên từ từ.
4.2. Ngừng sự cố lò hơi
Thực hiện ngừng sự cố lò theo trình tự sau:
- Chấm dứt cung cấp nhiên liệu và không khí, lá chắn khói đóng gần hoàn toàn.
- Nhanh chóng cào than, củi, củi trấu đang cháy ra khỏi buồng đốt.
- Sau khi đã chấm dứt sự cháy thì đóng hết các cửa van và lá chắn khói lại.
- Đóng van cấp hơi và cho thoát hơi ra ngoài bằng cách kênh van an toàn lên.
- Cấp đầy nước vào lò (Nếu là sự cố cạn nước thì nghiêm cấm việc cấp nước vào lò).
- Để lò nguội từ từ dưới sự giám sát của người vận hành lò, tuyệt đối nghiêm cấm việc dùng nước để dập lửa trong lò.
5. Lưu ý khi vận hành lò hơi
Để chuẩn bị cho nó một cách thực tế xung quanh lò hơi và kiểm tra những điểm định kỳ sau:
- Nước cấp mềm phải được kiểm tra sau thường xuyên. Nếu nước cấp thấy cứng, nước mềm phải được tái sinh ngay lập tức.
- Không có tiếng ồn quá mức từ động cơ của quạt hay của bất kì bộ phận chuyển động nào khác.
- Tất cả các van và chỗ nối là không rò rỉ.
- Không có bất cứ bộ phận nào của lò hơi bị đun nóng quá mức.
- Bơm cấp đang làm việc ở trạng thái on-off cũng đảm bảo chức năng của công tác điều khiển mức và nó phải đảm bảo rằng lưu lượng nước thích hợp được duy trì.
- Khí thải từ ống khói là bình thường.
- Không có sự phát tia điện hay mất liên lạc ở trong những mạch điện đó.
- Tất cả các bộ điều khiển và thiết bị an toàn là đang hoạt động đầy đủ.
- Áp suất hơi và mức nước ổn định phải được duy trì trong phạm vi yêu cầu duy trì.
- Không có việc cháy quá mức của nhiên liệu trong buồng đốt.
- Việc xả bẩn lò hơi một cách đều đặn. Tần suất xả bẩn phụ thuộc vào chất lượng của nước đang sử dụng cho lò hơi.
- Xả bẩn trong công tắc điều khiển mức và ống thuỷ mỗi lần trong một ca.
- Xả một ít nước cấp của bể mỗi lần một ca, để loại bỏ cáu cặn có thể bị lắng xuống.
- Ghi lại nhiệt độ khói thoát.
- Duy trì áp suất buồng đốt trong khoảng -2 ÷ -5 mmH2O. Điều chỉnh nhờ cánh hướng quạt hút.
- Đảm bảo nhiệt độ khói thoát ra ở trong phạm vi yêu cầu của tải. Nếu cao, kiểm tra sự bám bẩn của bề mặt truyền nhiệt hay vật cản lối thoát của khói.
- Kiểm tra và duy trì dòng điện trong động cơ của quạt, bơm... trong phạm vi giới hạn và được ghi trong sổ lộ trình của chúng.
- Đảm bảo rằng không có không khí rò rỉ trong lối ra ổng khói.
- Đảm bảo đúng kích thước của nhiên liệu. Không có các vật lạ như miếng kim loại, đá... trong nhiên liệu và không có sự hỏng hóc máy cấp nhiên liệu khi vận hành.
- Kiểm tra và đảm bảo rằng khói hay bộ khử tro bay trong nhà lò hơi được giới hạn.
- Đảm bảo rằng tất cả sự hoạt động của lò được ghi một cách chính xác trong sổ nhật ký vận hành bao gồm cả hoá chất, xả bẩn...
Hình ảnh thực tế lò hơi ghi tĩnh đốt củi của GEETECH
Các quy định chung khi vận hành lò hơi
- Lò phải ngừng vận hành ngay để sửa chữa đột xuất nếu có hiện tượng hư hỏng các bộ phận chịu áp lực của lò hơi gây nguy cơ tai nạn nghiêm trọng.
- Hết hạn sử dụng vận hành lò hơi (theo giấp phép của Thanh tra kỹ thuật an toàn lao động) phải ngừng vận hành lò để tiến hành kiểm tra, sửa chữa và đăng kiểm để sử dụng tiếp.
- Việc sửa chữa vừa và lớn lò hơi phải do các cá nhân và đơn vị được pháp lý nhà nước công nhận và phải tuân thủ theo đúng quy phạm kỹ thuật an toàn lò hơi hiện hành.
- Khi gặp các sự cố không khắc phục được thì đề nghị liên hệ với nhà cung cấp lò hơi.
- Mọi sự cố và khắc phục sự cố phải ghi vào nhật kí vận hành.
- Việc thay đổi kết cấu và nguyên lý làm việc của lò hơi phải được nhà cung cấp lò hơi chấp thuận. Nếu cơ sở sử dụng tự ý thay đổi thì mọi trách nhiệm thuộc về cơ sở đó.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về kinh nghiệm vận hành lò hơi. Hy vọng sau nhiều năm lò hơi của các bạn vẫn hoạt động tốt và mang lại hiệu quả cao nhất cho bạn.
Để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, Geetech rất mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp quý giá từ phía khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH GEETECH
Địa chỉ: Số 11A Ngách 28 Ngõ 207 Bùi Xương Trạch, P. Khương Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Xưởng sản xuất: Phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.
Điện thoại: 088 65 99989 – 091 146 3383.
Email: geetechboiler@gmail.com
Website: www.geetech.com.vn
MST: 031 585 3072