Lò hơi (nồi hơi) là một thiết bị được sử dụng rộng rãi trong các ngành hơi công nghiệp. Trong quá trình vận hành và sử dụng nồi hơi, có thể xảy ra những sự cố không mong muốn .Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra những sự cố lò hơi có thể xảy ra, nguyên nhân và phương pháp xử lý, khắc phục cho từng trường hợp cụ thể:

- Lò hơi bị cạn nước nghiêm trọng

- Lò đầy nước nghiêm trọng

- Thủng hoặc nổ ống sinh hơi

- Xì hở ở các bộ phận chịu áp lực

- Hỏng ống thủy và áp kế

- Cụm van cấp nước hỏng

- Van xả đáy hỏng

- Sụt tường lò, rơi gạch chịu lửa, bảo ôn hỏng

- Bơm cấp nước bị hỏng

- Quạt bị hỏng

Sơ đồ nguyên lý vận hành lò hơi tầng sôiSơ đồ nguyên lý vận hành lò hơi tầng sôi của GEETECH

 

1. Lò hơi bị cạn nước nghiêm trọng

a. Hiện tượng

- Nhìn thấy đèn tín hiệu đỏ trên tủ điều khiển trung tâm, chuông kêu báo sự cố cạn nước nghiêm trọng.

- Nhìn ống thuỷ không còn nước nữa, chỉ còn một màu trắng đục của hơi.

- Có thể nhìn thấy kim áp kế tăng lên 1 chút, van an toàn xì hơi.

b. Nguyên nhân

- Thiết bị tự động cấp nước hỏng không tác động.

- Do công nhân không theo dõi thường xuyên mức nước trên ống thuỷ, không cấp nước kịp thời cho lò hơi.

- Do van xả đáy bị hở chảy nước nhiều.

- Do ba lông, ống sinh hơi bị xì hở nước thoát ra ngoài mà không biết.

- Do bơm hỏng, hệ thống cấp nước bị tắc, hay bơm mất chân không, nước không bơm được vào lò.

- Do đường nước ra ống thuỷ bị tắc nên báo mức nước giả tạo.

c. Phương pháp xử lý

- Cắt chuông báo.

- Kiểm tra ống thuỷ xem ống thuỷ có bị chảy nước không, sau đó tiến hành "gọi nước" theo quy trình sau:

    + Đóng van hơi ống thuỷ;

    + Mở van xả đáy ống thuỷ để thông rửa đường nước;

    + Đóng van xả ống thuỷ, mở lại van đường hơi;

- Nếu thấy nước còn lấp ló ở mặt đáy ống thuỷ là còn có khả năng cung cấp nước vào lò hơi. Công nhân vận hành là sẽ tiếp tục thao tác như sau:

Tắt ngay quạt gió, đóng các cửa điều tiết gió, khói.

   + Gạt công tác bơm sang phía điều chỉnh bằng tay, ấn nút chạy bơm cấp nước vào lò từ từ đến mức 1/3 ống thuỷ (tối thiểu) chú ý nghe và theo dõi xem có hiện tượng gì khác thường, mức nước có tăng không, nếu ổn định thì sau 5 phút bơm nước từ từ đến mức trung bình (1/2 ống thuỷ) và cho lò làm việc bình thường.

   + Nếu "gọi nước" 2 lần mà không thấy nước lấp ló ở đáy ống thuỷ thì phải nhanh chóng dừng lò sự cố ngay lập tức. Tuyệt đối không được cấp nước vào lò, trình tự thao tác như sau:

    + Ngừng cấp nhiên liệu khẩn cấp.

    + Tắt ngay quạt gió, đóng các cửa điều tiết gió.

    + Đóng van hơi chính, nếu áp suất lên cao thì có thể kênh van an toàn để xả bớt hơi ra ngoài để giảm áp suất.

     + Sau 20 phút tắt quạt khói (quạt hút), đóng cửa điều tiết khói để lò nguội từ từ.

 

2. Lò đầy nước nghiêm trọng

a. Hiện tượng

 - Thấy đèn tín hiệu đỏ và chuông báo đầy nước quá mức .

 - Thấy ống thuỷ ngập nước, toàn thân ống thuỷ là cột màu trắng long lanh của nước.

 - Áp suất giảm xuống từ từ, kim áp kế giảm đi ít.

 - Có thể nghe thấy tiếng rung động, thuỷ kích đường ống.

b. Nguyên nhân

 - Do công nhân không theo dõi thường xuyên mức nước ở ống thuỷ.

 - Thiết bị khống chế tự động cấp nước hỏng (nước đã vượt quá trên mức cao nhất nhưng mạch điện không ngắt, bơm vẫn chạy cấp nước vào lò).

 - Do van cấp nước bị hỏng đóng không kín.

c. Phương pháp xử lý

 - Cắt chuông

 - Thông rửa ống thủy theo quy trình vận hành hoặc kiểm tra bằng cách sau đây:

 - Đóng van nước của ống thủy.

 - Mở van xả ống thủy, xả hết nước trong ống thủy rồi đóng lại, mở lại van đường nước.

 - Nếu thấy nước vẫn ngập ống thủy thì trình tự thao tác như sau:

     + Gạt công tác bơm sang phía điều chỉnh bằng tay để tắt bơm và đóng chặt van cấp nước vào lò lại.

     + Tiến hành xả đáy lò theo quy trình vận hành lò như đã nói ở trên, xả đến mức 2/3 ống thủy (mức tối đa) thì ngừng. Tiếp tục quan sát sau 3 phút, xả tiếp cho đến mức trung bình rồi ngừng hẳn.

     + Đóng van hơi chính, kênh van an toàn để xả hơi ra ngoài.

    + Khi xử lý sự cố nên giảm bớt chế độ cháy trong buồng đốt đến khi ổn định, mở van hơi chính cấp cho sản xuất cho lò vận hành bình thường.

 

3. Thủng hoặc nổ ống sinh hơi

a. Hiện tượng

 - Thấy hơi nước phun xuống buồng đốt.

 - Mức nước ống thủy giảm xuống nhanh.

 - Có thể nghe thấy tiếng động trong lò.

b. Nguyên nhân

 - Do chất lượng nước cấp không đúng yêu cầu, nhiều cặn bám vào thành ống.

 - Tuần hoàn nước trong lò bị đảo lộn, bị phá hoại, bảo ôn ống góp bị phá huỷ.

 - Lò hơi vận hành mà ống bị đốt nóng không đồng đều (gió lạnh lọt vào buồng đốt) hay thu nhiệt không đều.

 - Do đọng tro kết xỉ ở thành ống nhiều, ống bị bào mòn.

 - Vận hành lò không đúng quy trình, đốt lò quá vội, áp suất lò thay đổi liên tục, lò bị cạn nước, công suất lò bị thay đổi liên tục, dừng lò cho lò nguội quá nhanh.

 - Do chất lượng ống không tốt.

 - Cặn nước nhiều mà không xả đáy.

c. Phương pháp xử lý

- Ngừng lò sự cố.

- Nếu ống sinh hơi bị vỡ quá to lượng nước cấp vào không bằng lượng nước thoát ra thì không cấp nước vào lò nữa.

- Nhanh chóng tìm biện pháp thay thế, sửa chữa để đưa lò vào sản xuất.

Thiết bị sinh hơi 01

Thiết bị sinh hơi 02 Thiết bị sinh hơi 03

Các thiết bị sinh hơi

 

4. Xì hở ở các bộ phận chịu áp lực

a. Hiện tượng

Nghe có tiếng rít của hơi xì ra mạnh

b. Nguyên nhân

 - Do chất lượng chế tạo, sửa chữa, lắp ráp không đảm bảo.

 - Do gió lạnh lùa vào nhiều làm rạn nứt kim loại.

 - Do chất lượng nước không tốt gây ăn mòn cục bộ, biến dạng kim loại sinh ra  - rạn nứt, cạn nước, cong ống.

c. Phương pháp xử lý

 - Nếu các van, bích xì hở nhẹ thì chú ý theo dõi đến kỳ sửa chữa gần nhất thay thế và chữa. Nếu xì to thì hạ áp suất xuống P = 0 kG/cm2

 - Nếu xì hở các bộ phận áp lực thì phải ngừng lò sự cố để khắc phục.

 

5. Hỏng ống thủy và áp kế

a. Hiện tượng

 - Nghe thấy tiếng nổ.

 - Hơi và nước phun ra.

b. Nguyên nhân

 - Do ống thủy, áp kế bị nóng lạnh đột ngột hoặc va đập vật cứng vào.

 - Do ống thủy bị lệch tâm, lúc lắp ráp các rắc-co xiết chặt quá, ống thủy không có chỗ giãn nở.

 - Do trong quá trình làm việc ống thủy bị mài mòn.

c. Phương pháp xử lý

- Nếu hỏng nặng ống thủy hoặc áp kế không có cái thay thì cho dừng lò bình thường.

- Nếu áp kế bị vỡ tung mặt kính ra . Kim áp kế bị rung động nhiều, biến động rung động lớn hớn 0,5 kG/cm2, chỉ không chính xác hoặc không trở về không khi không có áp suất thì phải thay mới. Trình tự thao tác như sau:

     + Vặn van ba ngả xả nước đọng trong áp kế ra.

     + Khóa hơi ra áp kế thay cái mới vào.

     + Hé mở van ba ngả sấy áp kế 5 phút, mở van ba ngả hết để cho áp kế làm việc trở lại.

- Gioăng tết xì hở mạnh thì phải thay gioăng tết mới.

- Kính mờ hoặc nứt nhẹ thì chờ đến kỳ tu sửa gần nhất sẽ thay thế.

- Xiết lại các rắc-co của ống thủy cho đều tay, nếu kính bị vỡ thì phải ngừng lò để thay kính hoặc ống thủy mới.

 

6. Cụm van cấp nước hỏng

a. Hiện tượng

 - Nước nóng trả lại bơm.

 - Bơm chạy nhưng không thấy nước vào lò.

b. Nguyên nhân

 - Do nước cấp có nhiều tạp chất làm mài mòn clap-pê và bạc van nên đóng van không kín.

 - Do clap-pê van 1 chiều bị kẹt cứng bơm nước không vào lò.

c. Phương pháp xử lý

 - Nếu cụm van hỏng nhẹ, nước rò ra ít thì cho lò làm việc đến kỳ sửa chữa gần nhất dưới 1 tháng. Nếu nước nóng trở lại bơm thì khi chạy bơm phải xả nước nóng ra trước.

 - Trường hợp van hỏng nặng nước không vào lò được phải ngừng lò sự cố kịp thời thay thế sửa chữa ngay.

 

7. Van xả đáy hỏng

a. Hiện tượng

 - Sau khi xả, đóng chặt van vẫn thấy nước rò ra.

 - Nước xì mạnh ở van xả đáy, mức nước ống thủy giảm.

 - Khi mở van xả nhưng nước không ra.

b. Nguyên nhân

 - Do clap-pê bị mòn, đóng không kín.

 - Do ty van bị gẫy, cong, tết chèn bị mòn hết.

 - Do cặn nước bám vào nhiều làm tắc van.

c. Phương pháp xử lý

 - Đóng thật chặt van, xem nước còn rò không nếu nước còn rò thì ngừng lò sự cố.

 - Nếu van xả hỏng nặng, thì đóng van chặn thay van xả.

 - Nếu van bị tắc thì ngừng lò bình thường để sửa chữa.

 - Trường hợp cụm van bị xì hở nhẹ thì phải theo dõi tình hình làm việc của van đến kỳ sửa chữa gần nhất nhưng không quá 1 tháng.

 

8. Sụt tường lò, rơi gạch chịu lửa, bảo ôn hỏng

a. Hiện tượng

 - Nghe tiếng động của gạch rơi xuống buồng lửa.

 - Bảo ôn bị bung ra, tường lò nứt rạn lớn.

b. Nguyên nhân

 - Do xây lắp không đúng quy chuẩn, các gờ đốc của các cuốn gạch bị gãy.

 - Các bộ phận của lò bị giãn nở làm rạn nứt tường bảo ôn.

 - Do bảo ôn lâu quá bị hỏng.

c. Phương pháp xử lý

 - Nếu tường lò, cuốn lò, bảo ôn bị hỏng nhẹ không làm lộ khung đỡ, ống nước xuống, ống góp thì vẫn tiếp tục chạy lò đến kỳ sửa chữa gần nhất phải tu sửa lại (nhưng không lâu quá 1 tháng).

 - Nếu hỏng để lộ các khung đỡ, ống góp, ống nước xuống... thỉ phải ngừng lò sự cố để sửa chữa.

 

9. Bơm cấp nước bị hỏng

a. Hiện tượng

 - Đóng điện nhưng bơm không chạy

 - Mở hơi nhưng bơm hơi không chạy trong khi áp lực của lò cao.

 - Bơm chạy nhưng nước không vào lò.

b. Nguyên nhân

 - Đối với bơm điện: do hỏng đường điện, mất pha hoặc lýdo khác

 - Đối với bơm hơi:

      + Áp suất hơi vào bơm hơi thấp quá, tay biên nằm ở điểm chết.

      + Tết bị hở, ngăn kéo điều chỉnh không đúng quy định

      + Bơm khô dầu hay độ nhớt dầu không đúng quy định.

c. Phương pháp xử lý

 - Đối với bơm điện: báo ngay cho thợ điện đến sửa chữa.

 - Đối với bơm hơi: nếu thiếu dầu thì bổ sung ngay, xả hết nước đọng trong xi lanh hơi, điều chỉnh cho tay bơm qua điểm chết.

 

10. Quạt bị hỏng

a. Hiện tượng

 - Đóng điện nhưng động cơ không chạy.

 - Quạt làm việc nhưng không có gió.

 - Có tiếng va đập trong thân quạt.

b. Nguyên nhân

 - Điện vào động cơ thiếu pha.

 - Đường dẫn gió bị thủng, tắc.

 - Cánh quạt bị hỏng.

 - Ê cu công cánh quạt bị hỏng hoặc bị long

 - Nhiệt độ khói quá cao cánh quạt bị biến dạng.

c. Phương pháp xử lý

 - Cắt điện báo cho thợ điện đến sửa chữa.

 - Kiểm tra hệ thống dẫn gió, khói

 - Kiểm tra cánh quạt, vỏ quạt nếu bị cong vênh thì phải khắc phục.

 - Kiểm tra các cửa điều tiết gió, khói đã mở hết chưa.

 - Trường hợp quạt gió quạt khói hư hỏng nặng không thể sửa chữa tức thời được thì ngừng lò bình thường để tiến hành sửa chữa.

Hệ thống lò hơi tầng sôiHình ảnh thực tế của hệ thống lò hơi tầng sôi của GEETECH

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG KHI VẬN HÀNH LÒ HƠI

 - Lò phải ngừng vận hành ngay để sửa chữa đột xuất nếu có hiện tượng hư hỏng các bộ phận chịu áp lực của lò hơi gây nguy cơ tai nạn nghiêm trọng.

 - Hết hạn sử dụng vận hành lò hơi (theo giấp phép của Thanh tra kỹ thuật an toàn lao động) phải ngừng vận hành lò để tiến hành kiểm tra, sửa chữa và đăng kiểm để sử dụng tiếp.

 - Việc sửa chữa vừa và lớn lò hơi phải do các cá nhân và đơn vị được pháp lý nhà nước công nhận và phải tuân thủ theo đúng quy phạm kỹ thuật an toàn lò hơi hiện hành.

 - Khi gặp các sự cố không khắc phục được thì đề nghị liên hệ với nhà cung cấp lò hơi.

 - Mọi sự cố và khắc phục sự cố phải ghi vào nhật kí vận hành.

 - Việc thay đổi kết cấu và nguyên lý làm việc của lò hơi phải được nhà cung cấp lò hơi chấp thuận. Nếu cơ sở sử dụng tự ý thay đổi thì mọi trách nhiệm thuộc về cơ sở đó.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về kinh nghiệm chế tạo, vận hành lò hơi trong nhiều năm qua. Hy vọng sau bài viết này giúp lò hơi của các bạn luôn hoạt động an toàn, ổn định và mang lại hiệu quả cao nhất cho bạn.

Để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, chúng tôi rất mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp quý giá  từ phía khách hàng.

Trân trọng cảm ơn!

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH GEETECH

Địa chỉ: Số 11A Ngách 28 Ngõ 207 Bùi Xương Trạch, P. Khương Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam.

Xưởng sản xuất: Phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.
Điện thoại: 088 65 99989 – 091 146 3383.
Email: geetechboiler@gmail.com
Website: www.geetech.com.vn
MST: 031 585 3072