Lò dầu tải nhiệt

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt than, mùn cưa, trấu, dăm bào, bã mía, vỏ điều, vỏ cây,...

Giá: Liên hệ

- Công suất nhiệt: 1 triệu kCal/giờ ÷ 10 triệu kCal/giờ
- Áp suất làm viêc: 4 bar ÷ 15 bar
- Nhiệt độ làm việc: Lên đến 400 oC
- Hiệu suất: trên 85%
- Nhiên liệu đốt: than, trấu rời, mùn cưa, dăm bào, vỏ điều,...
- Phát thải: đạt QCVN 19:2009/BTNMT

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt than, mùn cưa, trấu, dăm bào, bã mía, vỏ điều, vỏ cây,...

Thông tin chi tiết sản phẩm Lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt than, mùn cưa, trấu, dăm bào, bã mía, vỏ điều, vỏ cây,...


LÒ DẦU TẢI NHIỆT TẦNG SÔI

1. Đặc tính kỹ thuật lò dầu tải nhiệt tầng sôi của Geetech

 - Công suất nhiệt: 1 triệu kCal/giờ ÷ 10 triệu kCal/giờ

 - Áp suất làm viêc: 4 bar ÷ 15 bar

 - Nhiệt độ làm việc: Lên đến 400oC

 - Hiệu suất của lò dầu tải nhiệt tầng sôi: trên 85%

 - Tiêu hao nhiên liệu của lò hơi tầng sôi: 300 ÷ 330 kg than cám/triệu kCal, 320 ÷ 350 kg trấu/triệu kCal, 380 ÷ 410 kg mùn cưa/triệu kCal.

 - Tiêu chuẩn phát thải của lò dầu tải nhiệt tầng sôi: thành phần khí thải đạt QCVN 19:2009/BTNMT

 - Tiếng ồn cách nhà lò 1m nhỏ hơn 85dB, đạt QCVN 24/2016/BYT

 - Chế độ vận hành của lò dầu tải nhiệt tầng sôi: Tự động hoàn toàn hoặc bán tự động

 - Nguồn điện sử dụng: 380 VAC - 3 pha - 50 Hz

 - Tiêu chuẩn tính toán, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành: Theo ASME và TCVN 6413-1998, TCVN 7704-2007

 - Nhiên liệu đốt của lò dầu tải nhiệt tầng sôi: Than cám Indonesia, trấu rời, mùn cưa, dăm bào, bã mía, vỏ điều và các loại nhiên liệu Biomass khác (có thể đốt riêng lẻ hoặc trộn lẫn các nhiên liệu này với nhau)

Nhiên liệu đốt của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

2. Lò dầu tải nhiệt tầng sôi là gì?

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi hay còn gọi là lò dầu truyền nhiệt sử dụng buồng đốt kiểu tầng sôi để đốt nhiên liệu, năng lượng sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu sẽ gia nhiệt cho dầu truyền nhiệt, nhiệt độ dầu sau gia nhiệt có thể lên đến 400oC. Dầu sau gia nhiệt sẽ được đưa đến các thiết bị sử dụng nhiệt trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trong công nghiệp, lò dầu tải nhiệt chỉ sử dụng cho các hệ thống trao đổi nhiệt gián tiếp, nghĩa là dầu sẽ đi qua các bộ trao đổi nhiệt tại thiết bị dùng nhiệt sau đó được đưa trở về lò dầu để gia nhiệt lên lại, như vậy dầu sẽ đi tuần hoàn thành một chu trình khép kín. Lò dầu tải nhiệt tầng sôi trong công nghiệp có thể đạt công suất lên đến 18 triệu Cal/giờ.

3. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Sơ đồ nguyên lý của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

3.1. Cấu tạo của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Hệ thống lò dầu tải nhiệt tầng sôi thông thường bao gồm các thiết bị chính sau:

 - Hệ thống cấp nhiên liệu tự động vào lò

 - Buồng đốt tầng sôi

 - Thân lò dầu tải nhiệt

 - Bộ sấy không khí và hệ thống cấp gió

 - Hệ thống xử lý khí thải

 - Hệ thống khói - gió

 - Bơm dầu tuần hoàn

 - Hệ thống bồn dầu chứa và bồn dầu giãn nở

a. Hệ cấp nhiên liệu tự động vào lò

Hệ thống cấp nhiên liệu tự động bao gồm: băng tải cấp liệu (gàu tải cấp liệu lò hơi), vít tải liệu, quạt thổi liệu vào buồng đốt.

Không giống như các kiểu lò dầu tải nhiệt cũ (lò ghi xích và ghi tĩnh), nhiên liệu cấp cho lò dầu tải nhiệt tầng sôi đòi hỏi phải có kích thước đồng đều và độ lớn theo quy định nhằm đạt được điều kiện đốt cháy tối ưu. Đối với lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt than, giới hạn kích thước là 0 ÷ 10 mm. Đối với lò hơi tầng sôi đốt biomass (trấu, mùn cưa, dăm bào, vỏ cây, …), giới hạn kích thước là 0 ÷ 50 mm.

Nhiên liệu được vận chuyển bằng băng tải, gầu tải, vít tải, … tới các silo chứa để dự trữ hoặc cấp trực tiếp đến lò. Tùy theo loại nhiên liệu hoặc bố trí mặt bằng mà hệ thống cấp liệu sẽ được thiết kế tối ưu nhất. Hệ thống cấp liệu có thể thêm các cảm biến đo khối lượng (loadcell) lắp trên các phễu chứa nhiên liệu hay lắp trên băng tải nhiên liệu để đo lường nhiên liệu cấp vào lò, phục vụ cho việc tính tiêu hao nhiên liệu đốt và hiệu suất của lò dầu tải nhiệt.

Một số lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt các loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ cần cấp thêm đá vôi để xử lý nhằm giảm phát thải khí SOx. Các chất hấp thụ này sẽ được nghiền xuống cỡ hạt khoảng 6mm và phun vào buồng đốt.

Toàn bộ hệ thống cấp liệu tự động được lập trình vận hành tự động hoàn toàn hoặc bán tự động. Với chế độ vận hành tự động hoàn toàn, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh lượng nhiên liệu vào buồng đốt theo phụ tải lấy nhiệt của nhà máy.

Hệ thống cấp nhiên liệu tự động
Hệ thống cấp nhiên liệu tự động vào lò dầu tải nhiệt tầng sôi

 

b. Buồng đốt tầng sôi

Một tập hợp các hạt rắn (nhiên liệu đốt, đá vôi và chất trợ sôi như cát, đá dolomit, …), chất  sẽ trờ thành lớp tầng sôi khi có một lượng khí (gió cấp 1) áp suất cao được đưa vào từ mặt dưới của lớp hạt rắn và làm cho lớp hạt rắn như chất lỏng đang sôi.

Độ sôi của lớp hạt rắn phụ thuộc rất lớn vào kích thước hạt và vận tốc sôi. Vận tốc sôi của lớp hạt rắn tăng chậm hơn so với tốc độ của dòng khí đi trong đó. Sự chênh lệch tốc độ này được gọi là vận tốc trượt. Vận tốc trượt càng lớn thì khả năng hòa trộn nhiên liệu càng tốt và hiệu quả cháy sẽ càng cao.

Buồng đốt của lò dầu tải nhiệt tầng sôi thường bao gồm một lớp nền sôi thấp và một khu vực trống bên trên. Năng lượng giải phóng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu được phân chia giữa khu vực bên dưới và khu vực bên trên của buồng đốt theo tỷ lệ 88:12. Nghĩa là năng lượng tập trung chủ yếu ở khu vực lớp sôi. Nhiệt độ lớp sôi của lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt than được duy trì khoảng 800 ÷ 900oC. Tuy nhiên đối với lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt biomass (trấu, mùn cưa, dăm bào, vỏ cây, …) nhiệt độ lớp sôi phải giữ ở dưới 750oC để tránh đóng keo lớp nền trong buồng đốt, do hàm lượng chất Natri và Kali trong biomass cao sẽ làm giảm nhiệt độ nóng chảy của lớp nền.

Đối với than nhiệt lượng cao, phương pháp phổ biến để giữ nhiệt độ lớp nền trong khoảng yêu cầu là thêm chùm ống bức xạ ngâm trong lớp sôi. Chùm ống này có thể là ống sinh hơi hoặc hoặc ống quá nhiệt. Tuy nhiên vì tiếp xúc trực tiếp với các hạn rắn chuyển động nên tuổi thọ của các chùm ống này thường thấp và phải kiểm tra thay thế thường xuyên. Một số cách khách để kiểm soát nhiệt độ lớp nền là tuần hoàn xỉ với bộ bộ giải nhiệt nằm bên ngoài hay tuần hoàn khói…

Buồng đốt lò dầu tải nhiệt tầng sôi yêu cầu phải có vật liệu chịu lửa bao quanh (gạch, bê tông chịu nhiệt, chịu lửa) kể cả đối với giàn ống trao đổi nhiệt để đảm bảo tuổi thọ buồng đốt và bảo vệ các giàn ống không bị mài mòn và quá nhiệt. Lớp bê tông cách nhiệt của buồng đốt có thể yêu cầu dày hơn đối với nhiên liêu biomass như trấu, mùn cưa để dễ kiểm soát nhiệt độ buồng đốt hơn. Bên ngoài thể xây được bọc bảo ôn bằng bông gốm, bông thủy tinh để tránh thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường, nâng cao hiệu suất lò dầu tải nhiệt và an toàn cho công nhân vận hành.

Chiều cao lớp vật liệu nền thường từ 120 ÷ 400 mm, kích thước phổ biến của hạt rắn từ 0,8 ÷ 1,2 mm và khối lượng riêng từ 1.500  ÷ 2.400 kg/m3.

Tỷ lệ nhiên liệu đốt và vật liệu nền trong buồng đốt tầng sôi thường từ 1%÷5%. Tỷ lệ vật liệu nền trong hỗn hợp cháy rất lớn nên khả năng giữ nhiệt của lò tầng sôi rất tốt. Vì vậy lò dầu tải nhiệt tầng sôi có thể đốt được rất nhiều loại nhiên liệu như than, biomass, bùn giấy, rác thải, ... với lượng phát khí độc vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

ghi lò tầng sôi
Ghi lò tầng sôi

 

c. Thân lò dầu tải nhiệt

Thân lò dầu được đặt phía trên buồng đốt, được cấu tạo từ các ống trao đổi nhiệt, dầu sẽ đi trong ống, khói nóng có nhiệt độ cao sinh ra từ buồng đốt sẽ đi qua các chùm ống trao đổi nhiệt này, dầu bên trong sẽ nhận nhiệt và được gia nhiệt nóng dần lên đến nhiệt độ yêu cầu. Ống trao đổi nhiệt trong thân lò dầu được chia là hai phần, ống trao đổi nhiệt bức xạ và ống trao đổi nhiệt đối lưu. Khói nóng từ buồng đốt sẽ có nhiệt độ rất cao sẽ đi vào vùng ống trao đổi nhiệt bức xạ trước (vì khi khói có nhiệt độ cao sẽ có hệ số trao đổi nhiệt bức xạ chiếm phần lớn), sau khi ra khỏi vùng ống trao đổi nhiệt bức xạ, nhiệt độ khói sẽ giảm xuống và đi vào vùng ống trao đổi nhiệt đối lưu (lúc này nhiệt độ khói đã giảm đi nhiều nên hệ số trao đổi nhiệt đối lưu sẽ chiếm phần lớn), khói nóng sau khi trao đổi nhiệt để gia nhiệt cho dầu sẽ giảm dần nhiệt độ và đi ra ngoài.

Đối với thân lò dầu, khi thiết kế và vận hành cần phải đảm bảo được vận tốc dầu trong ống, đây là một thông số cực kỳ quan trọng quyết định đến tuổi thọ của dầu truyền nhiệt và thân lò dầu. Đối với từng loại dầu truyền nhiệt, sẽ có yêu cầu nhiệt độ màng tối đa cho phép, nghĩa là nhiệt độ dầu tại màng ống sẽ không được vượt quá nhiệt độ này, dẫn đến vận tốc dầu không được quá thấp sẽ làm cho dầu đi chậm lại và nhiệt độ dầu tại màng ống sẽ vượt quá mức cho phép làm cho hư dầu, nếu bị nghiêm trọng dầu sẽ bị quá nhiệt và sinh ra cặn carbon bám vào thành ống, lâu ngày sẽ gây nghẹt dẫn đến ống bị quá nhiệt, bể ống và xì dầu vào buồng đốt, dầu gặp lửa sẽ bị cháy và vô cùng khó mà dập tắt được nên sẽ vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu thiết kế vận tốc dầu quá cao sẽ dẫn đến làm tăng trở lực dẫn đến phải chọn bơm có cột áp bơm và công suất bơm cao hơn, dẫn đến tăng chi phí đầu tư cũng như điện khi vận hành. Như vậy, cần phải đảm bảo thiết kế vận tốc dầu trong ống đối lưu và bức xạ phù hợp để đảm vận hành và tiết kiệm chi phí.

Thân lò dầu tải nhiệt
Thân lò dầu tải nhiệt

 

d. Bộ sấy không khí và hệ thống cấp gió

Hệ thống cấp gió là một hệ thống vô cùng cần thiết vì không có nhiên liệu nào cháy mà không cần oxy. Không khí ngoài trời được gia nhiệt nóng lên và đưa vào buồng đốt để cung cấp oxy cho quá trình cháy. Một hệ thống cấp gió điển hình cho buồng đốt tầng sôi bao gồm quạt cấp và bộ sấy không khí. Quạt sẽ lấy không khí ngoài trời đưa vào bộ sấy không khí, bộ sấy không khí được đặt phía sau đuôi thân lò dầu, là một thiết bị trao đổi nhiệt giữa khói thải sau khi ra khỏi lò dầu và không khí cấp vào buồng đốt, mục đích của bộ sấy không khí này để tận dụng năng lượng còn dư thừa trong khói chuyển sang cho gió cấp vào lò để quá trình cháy được diễn ra dễ dàng hơn, tăng hiệu suất của hệ thống và giảm lượng nhiên liệu cấp vào buồng đốt. Gió cấp sau khi ra khỏi bộ sấy không khí khoảng 100 oC đến 150 oC, nhiệt độ gió cấp này không nên thiết kế quá cao vì có thể làm giảm đến tuổi thọ của buồng đốt và ghi.

Bộ sấy không khí lò dầu tải nhiệt tầng sôi
Bộ sấy không khí lò dầu tải nhiệt tầng sôi

 

e. Hệ thống xử lý khí thải

Hệ thống xử lý bụi, khí thải bao gồm: Bộ lọc bụi Cyclone đa phần tử (Multi Cyclone), bể khử bụi ướt hoặc lọc bụi túi vải, và thiết bị xử lý khí độc hại như tháp xử lý SOx.

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi tạo ra hai loại chất thải chính: Khói và chất thải rắn. Chất thải rắn bao gồm xỉ từ nhiên liệu và sản phẩm từ các chất hấp thụ. Khói thải đóng góp rất lớn vào ô nhiễm không khí. Vì vậy hệ thống xử lý khói luôn được thiết kế với ưu tiên rất cao.

Xỉ kích thước lớn thường được lấy ra khi xả xỉ dưới buồng đốt, trong khi tro bay (xỉ kích thước nhỏ) thường bay theo khói và được lấy ra tại phễu bộ hâm nước, bộ sấy không khí và tại các thiết bị lọc bụi. Tro bay có thể được đưa đến phòng chưa bằng băng tải, vít tải hoặc hệ thống thổi tro.

Với đặc tính nhiệt độ buồng đốt dưới 900 oC, tạo được môi trường rất tốt để không sinh ra các khí thải có hại như SOx, NOx. Lò dầu tải nhiệt tầng sôi không yêu cầu phải có các thiết bị xử lý khí thải đắt tiền nhưng vẫn đáp ứng được tất cả các thông số về tiêu chuẩn môi trường khắt khe nhất.

Bộ Cyclone đa phân tử, bộ lọc bụi túi vải, bể dập bụi ướt
Bộ Cyclone đa phân tử, bộ lọc bụi túi vải, bể dập bụi ướt

 

f. Hệ thống khói – gió

Quạt hút có chức năng hút khói từ trong lò dầu qua hệ thống xử lý khí thải và thổi ra ống khói, quạt hút còn có một chức năng quan trọng là duy trì áp suất trong buồng đốt luôn âm, để buồng đốt không bị phì lửa hoặc khói ra ngoài buồng đốt, đảm bảo an toàn khi vận hành.

Ống khói: khói thải sau khi đã xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường sẽ được quạt hút thải ra ống khói, tuy nhiên khói thải tại ống khói còn khá cao, khoảng 100 oC nên cần có ống khói để đưa lên cao và thải ra môi trường, đảm bảo được khói nóng phát thải ra ngoài sẽ có được không gian để hạ nhiệt độ và đảm bảo nhiệt độ khu vực xung quanh không quá cao.

g. Bơm dầu tuần hoàn

Bơm dầu tuần hoàn có chức năng vận chuyển dầu từ lò dầu đến thiết bị dùng nhiệt và hút trở lại về bơm rồi bơm lại vào lò dầu để gia nhiệt tiếp tục, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín. Việc tính toán chọn bơm dầu tuần hoàn vô cùng quan trọng, phụ thuộc vào loại dầu truyền nhiệt, nhiệt độ làm việc, lưu lượng dầu và trở lực của hệ thống. Việc chọn bơm dầu nhỏ quá sẽ không đảm bảo lưu lượng dầu cho hệ thống, dầu không đủ qua lò gây đến cháy dầu và hư dầu, lưu lượng dầu không đủ sẽ khiến cho các thiết bị sử dụng nhiệt vận hành không đúng thông số. Việc chọn bơm dầu có lưu lượng quá lớn sẽ làm tăng trở lực hệ thống, tăng công suất mô tơ gây lãng phí điện khi vận hành (do công suất bơm dầu thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong hệ thống điện vận hành). Như vậy việc cho bơm dầu tuần hoàn cần phải phù hợp để đảm bảo hệ thống hoạt động và tiếp kiệm được chi phí vận hành ở mức phù hợp nhất.

Cụm bơm dầu tuần hoàn
Cụm bơm dầu tuần hoàn

 

h. Hệ thống bồn dầu chứa và bồn dãn nở

Với hệ thống lò dầu, bồn dầu giãn nở sẽ được đặt phía trên cao nhất của hệ thống để đảm bảo dầu trong hệ thống lúc nào cũng được điền đầy. Khi chưa khởi động lò, dầu truyền nhiệt được điền đầy vào trong hệ thống lò dầu, đường ống và các thiết bị sử dụng nhiệt, lúc đó dầu còn nguội và mức dầu trên bồn dầu giãn nở sẽ thấp nhất. Khi buồng đốt được nung nóng gia nhiệt dầu của hệ thống lên đến điểm làm việc, dầu sẽ giãn nở và được đưa về bồn dầu giãn nở và chứa trong đó. Thể tích bồn dầu giãn nở phải thiết kế sao cho có thể chứa được lượng dầu giãn nở này.

Bồn chứa thường sẽ được đặt dưới đất, thông thường khi vận hành bồn dầu chứa chỉ chứa rất ít hoặc không chứa dầu vì lượng dầu đảm bảo cho hệ thống hoạt động đã được chứa ở bồn dầu giãn nở. Chức năng chính của bồn dầu chứa là để chứa dầu khi hệ thống lò dầu cần được sửa chữa, dầu cần phải được thu gom về bồn dầu chứa để sử dụng lại. Lượng dầu truyền nhiệt trong hệ thống thường rất lớn nên phải thiết kế thể tích bồn dầu chứa đảm bảo khi có nhu cầu sửa chữa các cụm thiết bị trong hệ thống thì có thể rút dầu về.

3.2. Nguyên lý hoạt động của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Nhiên liệu được cấp vào buồng đốt qua hệ thống cấp liệu đặt ở tường nước phía đầu buồng đốt. Lượng nhiên liệu cấp vào lò được điều chỉnh bởi tốc độ chuyển động của hệ cấp nhiên liệu vào lò.
Tại buồng đốt của lò dầu tải nhiệt tầng sôi diễn ra quá trình dao động hỗn hợp của những hạt nhiên liệu rắn (nhiên liệu than và tro, xỉ) được phân thành từng lớp theo tỉ trọng của hạt nhiên liệu và chiều cao buồng đốt. Quá trình dao động này được thực hiện chính là nhờ vận tốc của luồng gió cấp 1 được đưa vào lò từ sàn đáy của buồng đốt đủ lớn. Kết quả của gió với vận tốc lớn này tạo ra một lượng hỗn hợp các hạt nhiên liệu rắn xuôi theo dòng hỗn hợp không khí cháy đi ra khỏi buồng đốt. Trong quá trình cháy, các hạt nhiên liệu giảm dần kích thước và được hòa trộn với 1 phần xỉ (hạt nền) có sẵn trong buồng đốt tạo ra một lớp đệm nhiên liệu.

Cháy tầng sôiCháy tầng sôi

Quá trình nhiên liệu cháy trong buồng đốt được phân thành từng tầng theo chiều cao của buồng đốt và tùy theo tốc độ của gió cấp 1 và cấp 2. Nhiệt từ lớp nhiên liệu cháy được truyền tới nước qua các tường nước được bố trí xung quanh buồng đốt, đỉnh buồng đốt. Khói nóng mang theo các hạt tro bay rời khỏi buồng đốt đi qua các dàn ống trao đổi nhiệt đối lưu rồi thoát ra khỏi lò.

Gió cấp 2 được đưa vào buồng đốt qua các vòi phun gió được đặt ở phía trên buổng đốt (bên trên các béc gió cấp 1) cung cấp không khí cho các lớp sôi phía trên để giảm NOx, điều chỉnh hệ số không khí thừa và điều chỉnh nhiệt độ cháy trong buồng đốt.

Sau khi thực hiện quá trình trao đổi nhiệt đối lưu ở phần đuôi lò, khói được đưa vào bộ sấy không khí để tận dụng lại nguồn nhiệt từ khói thải gia nhiệt cho  không khí cấp vào lò. Bộ lọc bụi được bố trí đặt ở trước quạt hút, tách những hạt tro bay ra khỏi dòng khói, trước khi khói được quạt hút thải ra ngoài ống khói.

Về phần dầu, dầu nguội từ thiết bị sử dụng nhiệt được bơm dầu tuần hoàn hút về và đưa vào thân lò dầu gia nhiệt nóng lên, cấp trở lại thiết bị sử dụng nhiệt. Trong đường ống dầu sẽ có thêm đường tách khí tự động, đường tách khí có chức năng tách khí trong hệ thống ra ngoài, đặc biệt khi dầu chưa có trong hệ thống và cấp dầu vào thì sẽ phải chạy một thời gian để tách khí. Ngoài ra còn có đường châm dầu vào hệ thống, nhiệm vụ của đường này là để cấp dầu vào hệ thống, đồng thời đường châm dầu này sẽ đảm bảo cho dầu trong hệ thống luôn được điền đầy và vận hành ổn định.

4. Các chức năng vận hành tự động và bảo vệ an toàn của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

- Hệ thống điều khiển và hiển thị PLC – SCADA

- Tự động điều chỉnh phụ tải bằng PLC lấy tín hiệu để điều chỉnh tốc độ quạt và thay đổi tốc độ băng tải cấp liệu qua biến tần

- Tự động cấp và điều chỉnh lượng nhiên liệu vào buồng đốt

- Tự động cấp dầu theo mức đã ấn định

- Bảo vệ ngắt hệ thống khi dòng dầu tải nhiệt thấp

- Bảo vệ ngắt hệ thống khi nhiệt độ đầu ra dầu tải nhiệt cao

- Điều khiển, kiểm soát chính xác nhiệt độ dầu

- Bảo vệ ngắt hệ thống khi mức dầu trong bình giãn nở khử khí thấp

- Dùng van an toàn để bảo vệ chống lại áp lực cao.

- Thu hồi tro bay tự động

- Hệ thống tự động kiểm soát khí thải được lập trình bằng PLC, lấy tín hiệu khói thải đầu ra qua bộ cảm biến và hiển thị oxy dư để điều khiển lượng oxy cấp vào lò và nhiệt độ buồng đốt thông qua quạt gió cấp 2, đảm bảo cháy kiệt nhiên liệu và giảm thiểu tối đa lượng CO trong khói thải

- Tự động bảo vệ theo 3 cấp khác nhau: Relay bảo vệ quá nhiệt cấp 1, Relay bảo vệ quá nhiệt cấp 2, và 1 van an toàn để xả ra ngoài.

5. Ưu nhược điểm của Lò dầu tải nhiệt tầng sôi

5.1. Ưu điểm của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

- Cấu tạo đơn giản, vận hành dễ dàng, chi phí bảo trì thấp, không tiêu tốn hóa chất xử lý.

- Nhiệt độ dầu làm việc có thể lên đến 400oC với áp suất thấp, phù hợp với các hệ thống sử dụng nhiệt độ cao, chi phí cho thiết bị áp suất thấp sẽ rẻ hơn.

- Không gây ăn mòn ống trao đổi nhiệt trong lò dầu, tuổi thọ lò dầu sẽ cao hơn.

- Lò dầu tải nhiệt được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và được dùng để thay thế lò hơi công nghiệp vì lò dầu tải nhiệt có thể cung cấp được nhiệt độ cao, trong khi đó lò hơi công nghiệp để cung cấp được nhiệt độ cao sẽ cần áp suất rất lớn hoặc phải thiết kế bộ quá nhiệt để nâng nhiệt độ hơi lên cao nên sẽ tốn kém nhiều chi phí.

do-thi-ap-suat -hoi-dau.png

Đồ thị tương quan giữa áp suất / nhiệt độ của hơi và của dầu

- Lò dầu tải nhiệt tầng sôi đốt đa nhiên liệu: Than cám, trấu rời, trấu viên, củi viên, củi băm, mùn cưa, răm bào, rác ngành giấy, và nhiều loại nhiên liệu biomass...

- Hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm chi phí vận hành nhờ lò dầu tải nhiệt tầng sôi vận hành tự động liên tục, tận dụng nhiệt triệt để và nhiên liệu cháy kiệt hoàn toàn sau khi ra khỏi buồng đốt

- Lò vận hành ổn định, tin cậy và đáp ứng phụ tải thay đổi linh hoạt

- Hệ thống cấp liệu, thải xỉ tự động, dễ vận hành, tiết kiệm nhân công

- Lò tầng sôi có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt mà không cần dùng đến các thiết bị xử lý đắt tiền

5.2. Nhược điểm của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

- Lò dầu thường vận hành ở nhiệt độ cao nên việc thiết kế và chọn thiết bị phải đảm bảo an toàn cho người vận hành và cho hệ thống.

- Dầu truyền nhiệt khi sử dụng phải định kì 6 tháng lấy mẫu kiểm tra để đánh giá dầu còn sử dụng được hay không. Nếu thiết kế và vận hành hợp lý, dầu truyền nhiệt sẽ có tuổi thọ lâu dài.

- Chi phí cho dầu truyền nhiệt khá cao.

- Vận hành lò dầu tải nhiệt sẽ nguy hiểm hơn, nên người vận hành phải được đào tạo để đáp ứng đầy đủ kỹ thuật khi vận hành.

- Lò tầng sôi chỉ đốt hiệu quả với các nhiên liệu có kích thước nhỏ và đồng đều.

- Kho chứa nhiên liệu dự trữ lớn hơn so với lò dầu tải nhiệt ghi xích và ghi tĩnh.

6. Phạm vi ứng dụng của lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi được ứng dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như: giấy và bao bì, cao su, nhựa, dệt nhuộm, may mặc, gỗ công nghiệp, …

7. Hình ảnh công trình lò dầu tải tầng sôi nhiệt thực tế

 

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Lò dầu tải nhiệt tầng sôi

lò dầu tải nhiệt tầng sôi

Hệ thống lò dầu tải nhiệt tầng sôi

CÔNG TY TNHH GEETECH

Công ty TNHH Geetech là một trong số ít các đơn vị Lò hơi, nồi hơi tại Việt Nam có đủ năng lực thực hiện thiết kế, chế tạo, cung cấp, lắp đặt, sửa chữa bảo trì lò hơi, nồi hơi, lò dầu tải nhiệt và cung cấp hơi bão hòa. Với đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân viên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lò hơi và thiết bị áp lực, kết hợp với nhiều nhà cung cấp phụ kiện lò hơi uy tín, chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu, G7. Chúng tôi sẽ tư vấn và cung cấp cho khách hàng các giải pháp đa dạng cả về công nghệ và nhiên liệu đốt của lò hơi, nồi hơi phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.

Về lò hơi - nồi hơi đốt đa nhiên liệu có thể kể đến như: lò hơi đốt than, lò hơi đốt trấu, lò hơi đốt củi, lò hơi đốt dầu, lò hơi đốt gas, lò hơi đốt củi trấu, lò hơi đốt viên nén mùn cưa…

Về công nghệ đốt có thể kể đến như: lò hơi tầng sôi, lò hơi ghi xích, lò hơi ghi tĩnh, lò hơi đốt vòi phun cho lò đốt dầu, lo hơi đốt ghi thang…

Về lò dầu tải nhiệt (lò dầu truyền nhiệt) như: Lò dầu tải nhiệt tầng sôi, lò dầu tải nhiệt ghi xích, lò dầu tải nhiệt ghi tĩnh, lò dầu tải nhiệt ghi thang,...

Ngoài ra Lò hơi Geetech còn tư vấn thiết kế lắp đặt các loại thiết bị trao đổi nhiệt, thiết bị xử lý khói bụi lò hơi có hiệu quả hoạt động rất cao, đạt tiêu chuẩn về mồi trường đã và đang được ứng dụng vào các hệ thống mà chúng tôi đang cung cấp trên thị trường.

Tiêu chí của chúng tôi:

- Sản phẩm an toàn, tin cậy, giá thành hợp lý

- Dịch vụ nhanh, chính xác, hoàn hảo

- Kinh doanh trách nhiệm, bền vững

- Niềm tin của khách hàng chính là nền tảng trong các hoạt động của chúng tôi.

Với tính thần hợp tác cùng phát triển, Công ty TNHH Geetech rất mong được hợp tác cùng quý khách hàng trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY TNHH GEETECH

Địa chỉ: Số 11A Ngách 28 Ngõ 207 Bùi Xương Trạch, P. Khương Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam.

Xưởng sản xuất: Phường Châu Khê, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.
Điện thoại: 088 65 99989 – 091 146 3383.
Email: geetechboiler@gmail.com
Website: www.geetech.com.vn
MST: 031 585 3072